-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trường ca trong nhạc Việt (p.2)
Nguyên Lắc
13/08/2021
0 nhận xét
Đóa Hoa Vô Thường – Trịnh Công Sơn
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cho mình 1 ca khúc mang dáng dấp trường ca trong gia tài sáng tác đồ sộ của mình. Tuy ca khúc Đóa Hoa Vô Thường so với các tác phẩm trường ca vĩ đại khác thì không có độ dài hoành tráng nhưng cũng rất ấn tượng.
Với Đóa Hoa Vô Thường, dường như cố nhạc sĩ đã dung hòa và nâng cao giá trị nội dung, giá trị nhạc lý cũng như giá trị nghệ thuật vẫn thường thấy trong 3 chủ đề chính của ông là quê hương, tình yêu và thân phận.
Được đánh giá là một ca khúc khó nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên cho đến này số nghệ sĩ thử sức mình thành công với ca khúc này không nhiều. Chúng ta cùng nghe qua phiên bản của nghệ sĩ Khánh Ly và nghệ sĩ Hồng Nhung nhé.
Hội Trùng Dương – Phạm Đình Chương
Nếu như nhạc sĩ Phạm Duy có Trường Ca Con Đường Cái Quang thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi dấu ấn của mình với trường ca Hội Trùng Dương. Cũng mang chủ đề về quê hương đất nước và hy vọng một tương lai tươi sáng trong thời loạn ly nhưng nhạc sĩ Phạm Đình Chương dùng hình ảnh 3 con sông tiêu biểu của 3 miền. Đó là sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Ông sáng tác ca khúc vĩ đại này trong suốt 4 năm ròng. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương có rất nhiều ca khúc quen thuộc mình sẽ kể ra đây trong trường hợp những đọc giả nào chưa biết đến: Ly Rượu Mừng, Nửa Hồn Thương Đau, Mười Thương, Đón xuân, Mộng Dưới Hoa,… Còn bây giờ chúng ta thưởng thức tác phẩm Hội Trùng Dương nhé
Hòn Vọng Phu – Lê Thương
Nói đến Hòn Vọng Phu thì có lẽ không một người dân nước Nam nào lại không biết về nó cũng như những sự tích liên quan. Hòn Vọng Phu là một trường ca mang tính sử thi đầy bi hùng của nhạc sĩ Lê Thương. Cũng là một tác phẩm được đánh giá cao nhất về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngũ cung Việt Nam và thất cung phương Tây.
Trường ca Hòn Vọng Phu thường được chia ra bài nhỏ mà mọi người quen gọi với tên Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3. Trong đó Hòn Vọng Phu 1 được nhiều người biết đến nhất. Thực ra 3 phần của trường ca này đều có tên.
- Hòn vọng phu 1: Đoàn Người Ra đi (Hương Mộc Lan xuất bản lần đầu vào năm 1946)
- Hòn vọng phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)
- Hòn vọng phu 3: Người Chinh Phu Về (Dân tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)
Phải nghe hết cả 3 đoản khúc mới thấy hết cái bi hùng rất sâu sắc của trường ca Hòn Vọng Phu cũng như trầm trồ trước tài vận ngôn của nhạc sĩ Lê Thương. Chúng ta thưởng thức tuyệt phẩm này nhé
Trường Ca Mẹ Việt Nam – Phạm Duy
21 là con số kỷ lục mà trường ca Việt Nam ghi nhận cao nhất thuộc về trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy.
Đại trường ca tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến thời hiện đại. Cũng là một trường ca tôn vinh sự hi sinh của người đàn bà đất Việt qua bao thăng trầm lịch sử. Khác với trường ca Con Đường Cái Quan, trong Mẹ Việt Nam nhạc sĩ Phạm Duy ít sử dụng chất liệu dân ca đi rất nhiều, thay vào đó là âm nhạc phương tây chiếm phần lớn. Nhưng không vì thế mà lại mất đi cái hồn dân tộc. Đây là một bản trường ca khiến giới âm nhạc phương Tây vô cùng ngưỡng mộ và cũng là niềm tự hào lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
Trường ca bao gồm 4 phần Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ. 21 ca khúc được phân bổ như sau:
- Đất Mẹ: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Mẹ đón cha về.
- Núi Mẹ: Mẹ hỏi, Mẹ bỏ cuộc chơi, Mẹ trong lòng người đi, Mẹ trả lời, Mẹ hóa đá
- Sông Mẹ: Muốn về quê mẹ, Sông còn mải mê, Sông vùi chôn mẹ. Sông không đường về, Những dòng sông chia rẽ
- Biển Mẹ: Mẹ trùng dương, Biển đông sóng gợn, Thênh thang thuyền về, Chớp bể mưa nguồn, Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay, Mẹ Việt Nam ơi, Việt Nam – Việt Nam.
Trường ca Mẹ Việt Nam rất nổi tiếng trước năm 1975. Trong đó có ca khúc Mẹ Trùng Dương và Việt Nam, Việt Nam là 2 ca khúc được hát nhiều nhất. Đã có thời điểm Việt Nam Việt Nam được ứng cử làm quốc ca của Việt Nam trước 1975.
---------------------
Biên soạn: Quân Nguyễn
Phát hành: ADAM MUZIC
Bình luận:
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.